Di tích đền Tam Phủ

Xã Cao Đức, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh Xã Cao Đức, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh
tinhmessi@gmail.com

Dịch vụ

Mô tả

Đền Tam Phủ

Đền Tam Phủ là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, do nhân dân địa phương dựng lên từ lâu đời trên bãi nổi Nguyệt Bàn để tôn thờ 3 vị chí tôn: Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Nguyệt Bàn là bãi cát cao nổi trội giữa 2 dòng sông: sông Đuống và sông Thái Bình thuộc khu vực Lục Đầu Giang, điểm gặp của 6 con sông: sông Đuống, sông Thái Bình, sông Kinh Thày, sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam.
Trước Cách mạng tháng Tám đền Tam Phủ do xã Đại Than trực tiếp quản lý. Khi đó xã Đại Than gồm 3 thôn: Bình Than, Đại Trung (còn gọi là làng Lớ), Đông Trung (tên nôm là Gốm). Cả 3 thôn hàng ngày đều cử cụ Từ thường xuyên ở đền trông coi đèn hương. Hàng tháng vào ngày tuần, mùng 1 và ngày Rằm các cụ 3 thôn đều ra đền làm lễ.
Từ năm 1948 trở lại đây, đền Tam Phủ do UBND xã Cao Đức quản lý và giao cho 3 thôn: Bình Than, Đại Trung và Đông Trung trực tiếp trông coi, quy định hàng năm vào ngày 15 tháng 2 và 15 tháng 8 (Âm lịch) tổ chức tế lễ tại đền. 

 

Tổng thể khu di tích

Kiến trúc di tích: Kiến trúc đền mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, gồm 3 tòa:

Đền Thượng là công trình kiến trúc nhỏ gồm 1 gian hai dĩ, kiểu bình đầu bít đầu, tường xây gạch, mái lợp ngói mũi hài. Khung đền làm bằng gỗ lim, cấu trúc vì kiểu kèo kìm, bẩy, bào trơn đóng bén. Phía trước gian giữa lắp cửa ván, hai dĩ mở cửa hai bên. Đền Thượng là nơi tối linh thiêng, do vậy gian giữa lập ban thượng điện, lát sàn gỗ. Ngăn cách giữa đền Trung và đền Thượng là bức cửa võng sơn son thếp vàng, hai bên bức cốn chạm nổi hình rồng uốn lượn.

Đền Trung là công trình kiến trúc gồm 3 gian 2 trái, kiến trúc kiểu 4 mái, 4 đao cong, khung gỗ lim, cấu trúc đơn giản kiểu kèo kìm trụ nóc, nối kẻ truyền. Phía trước mở cửa bức bàn thông xuống đền Hạ.

Đền Hạ gồm 3 gian hai trái kiến trúc 4 mái, 4 đao cong như đền Trung, phía trước cửa mở bức bàn, phía sau gian giữa lắp cửa cách ván, hai bên mở cửa lách thông lên sân rồng vào đền trung. Khung đền làm bằng gỗ lim, cấu trúc kiểu kéo kìm, trụ nóc, nối kẻ bẩy. Trong đền tại các bức cốn, đầu dư có chạm khắc theo lối Tứ linh, Tứ quý tạo sự tôn nghiêm cho di tích.

Trong khuôn viên đền Tam Phủ còn một số công trình kiến trúc như: chùa, điện Mẫu. Năm 2018, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bắc Ninh địa phương đầu tư xây dựng cổng theo lối 5 cửa tạo sự uy nghiêm cho khu di tích.

Giá trị di tích: Bãi Nguyệt Bàn – đền Tam Phủ là một trong những địa điểm lịch sử - văn hóa quan trọng của tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây vào thế kỷ XIII vua quan nhà Trần đã tổ chức Hội nghị Bình Than để bàn kế sách đánh giặc, lập đàn tế cáo trời đất, cầu mong chiến thắng quân Nguyên Mông. Vì vậy nơi đây bãi Nguyệt Bàn, đền Tam Phủ là một trong những dấu mốc lịch sử quan trọng, mở đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta. Ngoài ra, đền còn là công trình tín ngưỡng văn hóa tiêu biểu về tín ngưỡng dân gian độc đáo gắn với vùng sông nước trong tín ngưỡng nông nghiệp của người Bắc Ninh.

 

Ban thờ chính ở đền         

Giá trị ngôi đền thể hiện ở kiến trúc mang đặc trưng nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Trong đền bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị… góp phần làm phong phú giá trị văn hóa di sản ở địa phương.

Giá trị cảnh quan: Bãi Nguyệt Bàn – đền Tam Phủ nằm trên bãi bồi hạ lưu sông Đuống giáp với sông Lục Đầu quanh năm sóng nước. Trong khu di tích cây cối xanh tốt, các công trình kiến trúc hài hòa tạo nên giá trị cảnh quan thu hút khách du lịch về tham quan.

Dịch vụ mua sắm ẩm thực: Về di tích Bãi Nguyệt Bàn – đền Tam Phủ du khách theo quốc lộ 18 3 km về xã Châu Cầu, huyện Quế Võ được thưởng thức các món ăn đồng quê, các loại cá sông như: cá lăng, cá ngạnh, có chép, tôm sông. Vào dịp từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch hàng năm có món cua da là đặc sản vùng đất Gia Bình, Quế Võ.

Dịch vụ quà lưu niệm: Từ khu di tích Bãi Nguyệt Bàn, đền Tam Phủ theo đường quốc lộ 18 du khách về tham làng nghề gốm Phù Lãng để mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gồm như: Tranh gốm, dụng cụ sinh hoạt. Du khách có thể qua cầu Bình than xuôi theo đường đê về thị trấn Đông Bình, theo quốc lộ 17 du khách về tham làng nghề đúc đồng Đại Bái. Tại đây, du khách có thể mua được nhiều đồ lưu niệm do làng nghề thủ công gò đồng Đại Bái sản xuất như: Dụng cụ sinh hoạt, đồ thờ, tranh đồ trang trí bằng đồng.

Hướng dẫn viên: Tại khu di tích Bãi Nguyệt Bàn, đền Tam Phủ không có thuyết minh viên hàng ngày. Du khách có nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa khu di tích được ông từ đền hướng dẫn.

Địa chỉ liên hệ: 0367584852 - Nguyễn Văn Bảo.

Phòng VHTT Gia Bình: Nguyễn Trung Tuy - 0983793762

Di tích đền Tam Phủ được công nhận điểm du lịch theo quyết định số 2393/QĐ-UBND ký ngày 28/12/2018

Những điểm lân cận

Bản đồ